NGHỆ THUẬT TRỪU TƯỢNG
Hôm qua, tình cờ một chị bạn tag mình hỏi quan điểm của mình về tranh trừu tượng của Cy Twombly vì dường như quá khó để hiểu ý nghĩa về thẩm mỹ hay nghệ thuật thẩm mỹ đằng sau những nét vẽ trông rất “nguệch ngoạc” như đứa trẻ lên 3 của ông, trong khi những bức vẽ ấy đang được định giá rất cao từ 2-75 triệu đô la.
Mới đầu mình định trả lời ngắn gọn, nhưng cảm thấy không có khả năng để trả lời một cách rõ ràng trong một tin nhắn, nên mình hẹn để viết một status về quan điểm của bản thân mình về “nghệ thuật trừu tượng”, để trả lời một cách khách quan nhất, tránh các bias (vì bản thân mình không phải là một fan của tranh abstract (tranh trừu tượng) nói chung), vì thế không muốn trả lời một cách nông nổi ngẫu hứng ngay lập tức, vì có thể sẽ mang nhiều cảm xúc cá nhân.
Sáng nay, ngồi uống xong một tách Americano, chát chít với bồ cho nâng mood tinh thần sau một ngày Thứ bảy bận rộn từ sáng sớm, đầu óc tỉnh táo rồi, mình ngồi quán café đợi con trai chơi trên sân với bạn, tự nhiên mình lại thấy rất hứng khởi để ngồi “tán” và “lạm bàn” về chủ đề tại sao một số bức tranh trừu tượng lại đắt đỏ như vậy trong khi đó nó được vẽ như thể là từ một đứa trẻ. Và nên hiểu các bức tranh trừu tượng như thế nào.
Để làm rõ điều này, một số nội dung sau cần phải làm rõ:
TRỪU TƯỢNG là gì?
Nói tới từ “trừu tượng”, theo định nghĩa từ điển Cambridge thì trừu tượng hay abtract nghĩa là “existing as an idea, feeling, or quality not as a material object” (tạm dịch: tồn tại như một ý tưởng, cảm giác hoặc chất lượng, không phải là một đối tượng vật chất).
Theo từ điển bách khoa toàn thư, định nghĩa về trừu tượng như sau: “TRỪU TƯỢNG là một trong những hình thức cơ bản của nhận thức - nhận thức lí tính. Trong sự trừu tượng, nhận thức của con người thoát li khỏi một loạt những yếu tố của sự vật cụ thể cảm tính để đi vào nhận thức sâu sắc từng mặt, từng thuộc tính, từng mối quan hệ của sự vật hiện tượng nhằm vạch ra được bản chất của chúng. Kết quả của sự trừu tượng được biểu hiện bằng những hình thức cơ bản của tư duy như khái niệm, phán đoán, suy lí. Như vậy, nếu trực quan cho ta một hình ảnh tương đối đầy đủ về sự vật, hiện tượng một cách cảm tính thì trừu tượng cho ta tri thức về từng mặt, từng thuộc tính, từng mối quan hệ của sự vật, hiện tượng nhưng ở trình độ cao hơn - trình độ lí tính, vạch ra được bản chất của từng mặt, từng thuộc tính, từng mối quan hệ ấy. Trên cơ sở kết quả của sự trừu tượng, tư duy con người tổng hợp lại cho ta hình ảnh đầy đủ bản chất về sự vật, hiện tượng - sự vật cụ thể trong tư duy.”
Về mặt ngôn ngữ học, “Khái niệm trừu tượng chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta, nó là những thực thể mà giác quan của con người không thể tiếp cận được. Nói cách khác, chúng không có biểu hiện vật chất nào và chỉ đơn thuần là sự khái quát hóa các ý tưởng. Ví dụ về các khái niệm mang tính trừu tượng như : tình yêu, sự thật, trí tuệ, hy vọng, ý chí tự do, số phận, lòng dũng cảm, ánh sáng, bóng tối, công lý, đoàn kết, trí óc, tâm linh, tôn giáo, văn hóa, lòng nhân từ, sự chính trực, thanh thản, quyền lực, lòng nhân ái, đạo đức, bình đẳng, triết học, lý thuyết, ngôn ngữ, toán học, vẻ đẹp, sự hài hòa, sự hỗn loạn hay bất kỳ chủ nghĩa nào mà chúng ta có thể nghĩ đến.”
Vì thế, nghệ thuật trừu tượng cũng được hiểu một cách tương tự, là nó không thể gắn với một hiện tượng vật chất cụ thể nào cả, và vì thế cũng không phải là đối tượng được tạo dựng ra để “hiểu” (nhận thức bằng từ duy) thông qua việc “nhìn” (tiếp cận bằng giác quan, mang tính cảm tính). Tư tưởng chủ đạo của nghệ thuật trừu tượng là khước từ những đối tượng hiện thực của cuộc sống con người hoặc trừu tượng hóa những hình ảnh từ thiên nhiên, con người để xác lập nên những hình ảnh phi biểu hình (phi hình thể) mới lạ độc đáo do trí tưởng tượng của nghệ sĩ sáng tạo nên.
LẬT LẠI LỊCH SỬ ĐẦU THẾ KỶ 20
Có thể nói, Châu Âu là cái nôi của nghệ thuật, đặc biệt là hội họa, phát triển từ rất rất sớm, đặc biệt trở nên huy hoàng từ khoảng thế kỷ 14 - 15 với đỉnh cao là hội họa thời kỳ Phục Hưng. Quan điểm về hội họa này gần như không có nhiều thay đổi về quan điểm thẩm mỹ và cái đẹp trong suốt nhiều thế kỷ. Và chỉ tới khoảng gần cuối thế kỷ thứ 19, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 (vào khoảng 30 năm cuối của thế kỷ 19 kéo dài tới hết Thế chiến thứ nhất).
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 đã mang lại một diện mạo mới cho toàn bộ thế giới và cách nhìn nhận thế giới, cũng như những ứng dụng từ các kiến thức điện cơ khí và tự động hóa một phần đã làm cho trật tự thế giới bắt đầu có sự đảo lộn. Sự thống trị của Châu Âu đối với Thế giới đã giảm sút từ sau thế chiến thứ nhất, dẫn tới những phức tạp trong nội bộ xã hội Châu Âu. Tiếp theo đó là hàng loạt các bất ổn kinh tế, chính trị từ việc hình thành chủ nghĩa phát xít, cách mạng Nga và sự lên ngôi hùng cường của Hoa Kỳ và tiếp sau đó là Chiến tranh thế giới thứ 2.
Giai đoạn này, Châu Âu rơi vào một thời kỳ vô cùng phức tạp, lộn xộn và bất an từ đỉnh cao quyền lực và tháp ngà tâm lý về những thành quả to lớn đã có suốt từ hàng trăm năm tới những đổ vỡ trong xã hội bấy giờ. Tại bất kỳ thời kỳ nào, đặc biệt là thời kỳ hỗn loạn, nghệ thuật luôn phản ánh tư tưởng của con người xuyên suốt thời đại đó. Hội họa và nghệ thuật đỉnh cao từ thời kỳ Phục Hưng đã làm cho các kỹ thuật hội họa được khai thác triệt để, quá nhiều nhân tài sinh ra nhưng ý tưởng cũng đã dần cạn kiệt và ngày càng trở nên cực đoan. Nghệ thuật tồn tại và sống cùng con người và vì thế, nó thể hiện khát vọng của con người hướng tới những giá trị mới. Khi xem lại các tác phẩm nổi tiếng khắp các thời kỳ, nghệ thuật luôn đi trước một bước so với thời cuộc và tư tưởng xã hội vì nó thể hiện nỗi ao ước của con người trước những khó khăn của thời đại nhằm hướng tới một tư tưởng mới, xã hội mới.
Tạp chí nghệ thuật có đoạn viết khá hay khi giải thích về các ý niệm trong nghệ thuật trừu tượng: “Nghệ thuật trừu tượng trong đó việc trình bày miêu tả các sự vật từ thế giới hữu hình đóng một phần rất ít hoặc không có, tự nó cho thấy tính tự do phóng túng gần như tuyệt đối – nó hoàn toàn không lệ thuộc và giống bất cứ cái gì có trong đời sống hiện thực – nó là sự khám phá chính cảm xúc trong tầng sâu của nội tâm và vô thức. Đôi khi nghệ thuật trừu tượng đã gây nên sự hoang mang tranh cãi trong giới yêu thích sưu tầm nghệ thuật… và nhiều người cho rằng vẽ trừu tượng là biểu hiện sự yếu kém về kỹ thuật thể hiện hoặc là do sự lười biếng của họa sĩ và họ hoài nghi về giá trị thẩm mỹ của những tác phẩm trừu tượng. Với những người am hiểu hoặc có khả năng thụ cảm sẽ thích ứng, tâm hồn họ có thể mộng du phiêu dạt với những hình ảnh trừu tượng.”
Trở lại với bức tranh hỗn loạn tại Châu Âu cuối thế kỷ 19, hàng loạt các phong trào và chủ nghĩa nghệ thuật mới ra đời, mà bắt đầu là chủ nghĩa lập thể (điển hình là Picasso), chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa hậu ấn tượng… Tất cả các phong trào này là tiền thân và là sự chuẩn bị cho một thời kỳ mới của nghệ thuật trừu tượng. Tất cả những phong trào và chủ nghĩa hội họa này đều hướng đến sự mới mẻ về ý tưởng, những vượt thoát ra khỏi khái niệm cổ điển, cũ kỹ đã thống trị và lên ngôi hàng trăm năm bởi giai cấp cầm quyền, nhưng không đại diện cho toàn bộ xã hội, đặc biệt là giai cấp nô lệ và bị trị. Những gì các phong trào hội họa mới thời kỳ này thể hiện, đó là hướng tới một sự tự do, phóng khoáng vượt qua những giá trị truyền thống khắt khe mà trước đó đã xây dựng. Quan điểm về tự do và hướng tới tự do không thể thiếu trong các tác phẩm hội họa khởi phát của nghệ thuật trừu tượng lúc bấy giờ, nhằm chứng minh rằng: hội họa không nhất thiết phải gắn liền với vật thể, phong cảnh, con người, hội họa có thể khởi sinh từ bất kỳ điều gì, ngay kể cả từ sự khó hiểu của tư duy và không có biểu hiện hình hài cụ thể; nghệ thuật không nhất thiết phải gắn với các kỹ thuật bút pháp điêu luyện mà nó có thể xuất phát từ một xúc cảm bộc phát của con người tại một thời điểm nào đó mà không cần phải mang theo các quy ước phức tạp và chặt chẽ, vốn được xây dựng từ các tầng lớp “vương triều” và “quý tộc” của xã hội.
Vì thế, những năm 1920-1930 là những năm mà nghệ thuật trừu tượng bắt đầu khai sinh và bắt đầu có tiếng nói riêng và phát triển mạnh mẽ từ những năm 1950s (sau thế chiến thứ 2 với sự thay đổi trật tự thế giới, Hoa Kỳ với tư tưởng tự do đã lan ra toàn thế giới, đặc biệt về tư tưởng giải phóng giai cấp bị trị, cùng khổ, hướng tới một thời kỳ công bằng). Đây cũng là thời kỳ sinh ra khá nhiều các tác phẩm trừu tượng được định giá rất cao bởi giới hội họa hiện đại, có thể tới hàng trăm triệu đô la và trở thành những bức tranh đắt giá nhất mọi thời đại.
Một số các tên tuổi có thể kể tới như Mark Rothko (Nổi tiếng với bức White Center, chỉ gồm 3 vệt màu), Joan Miro, Ben Nocholson OM, Cy Twombly, etc. Những nghệ sỹ nổi tiếng này, thông thường họ dành cả cuộc đời để đi theo một trường phái mà họ sáng tạo duy nhất và trở thành người khởi xướng trong trường phái đó. Ví dụ như Cy Twombly, các bức vẽ của ông thể hiện một tư duy được giới phê bình gọi là “Selective Abandon” mà trong đó biểu đạt tư tưởng về hai trường phái đối lập “từ bỏ” (Abandon) và “chọn lọc” (Selectivity) thông qua sự biểu đạt của các nét vẽ nguệch ngoạc nhưng liên kết thống nhất như thể một đường chạy không ngừng. Nhà sử học nghệ thuật và giám tuyển Kirk Varnedoe cho rằng tư tưởng “Sự vô trách nhiệm của trọng lực” (tạm dịch từ the “irresponsibility of Gravity”) là trọng tâm trong các bức họa của Cy Twombly.
NHỮNG Ý KIẾN TRÁI CHIỀU
Sự ra đời của nghệ thuật trừu tượng đã làm thay đổi nhận thức của thế giới về hai từ “nghệ thuật”. Và vì thế rất nhiều các họa sỹ phản đối về việc công nhận các bức họa trừu tượng thuộc trường phái mỹ thuật – hội họa với tư cách là fine art bởi vì họ cho rằng những tác phẩm chỉ mất vài phút để quệt lên quệt xuống, đổ màu hoặc tạo ra hiệu ứng thị giác không thể nào so sánh được với những bức tranh phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm để thể hiện và lột tả những chi tiết cũng như phải rèn luyện lâu năm mới có được.
Tuy vậy, sự thay đổi về khoa học công nghệ mà là kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 về kỹ thuật số (diễn ra từ 1950 -1970) và tiếp theo đó là sự ra đời của hàng loạt các ứng dụng kỹ thuật số trong đời sống, và đỉnh cao là sự ra đời của internet (world wide web) vào những thập niên 90 của thế kỷ 20 đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức về nghệ thuật trừu tượng và khiến cho chỗ đứng của nghệ thuật trừng tượng được củng cố.
Lý do là bởi sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số vào năm 1988 và internet tiếp nối đã khiến cho việc có được các bức ảnh sắc nét và chân thực về cuộc sống vượt xa các bức tranh cổ điển biểu cảm chi tiết mất cả năm trời mới tả được, thì khi đó khái niệm về nghệ thuật đã mở rộng hơn rất nhiều, bởi vì những gì một chiếc máy ảnh kỹ thuật số có thể làm được trong vài phút (và sau này là vài giây, vài tíc tắc) đã vượt xa sự nỗ lực và cố gắng miêu tả biểu đạt bằng hội họa trong nhiều năm. Và từ đó, các ý niệm và tư tưởng dẫn dắt thời đại của hội họa được khẳng định quan trọng hơn những gì kỹ thuật biểu đạt chỉ dựa vào technique (kỹ thuật màu sắc, miêu tả, chất liệu, bút pháp, etc.).
Cũng từ khi máy ảnh và internet ra đời, việc “thẩm thấu” hội họa lại gặp phải các rào cản. Con người có thể nhìn ngắm các bức họa ở bất kỳ đâu, mọi thời điểm mà không nhất thiết phải đi tới tận nơi gặp mặt họa sỹ cũng như tới phòng tranh. Điều này vô hình chung đã làm xóa mờ hoặc bị đánh giá thấp những cố gắng của các kỹ thuật chất liệu, bút pháp mà có khi một họa sỹ mất cả đời để rèn luyện và phát triển. Nói cách khác, việc hội họa quá dễ dàng đến với công chúng khi xem qua ảnh, đã khiến cho việc phổ biến kỹ thuật về hội họa bị đánh giá thấp đi mà người ta chú trọng hơn tới cảm nhận tức thì khi xem tranh qua ảnh. Những kỹ thuật này cũng khó nhận diện qua việc ngắm các bức ảnh chụp lại, và vốn không phải là thế mạnh của các bức tranh trừu tượng. Ở một diễn đạt khác, các bức họa trừu tượng vốn không tác động cảm tính thông qua giác quan con người và vốn không dễ hiểu nên khi xem qua các bức ảnh chụp lại đã mất đi hoàn toàn khái niệm về “feeling” so với việc ngắm nó trực tiếp, đã gây ra không ít tranh cãi.
GIÁ CẢ CỦA MỘT BỨC TRANH KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG PHẢN ÁNH MỨC ĐỘ PHỨC TẠP LÀM RA NÓ
Nếu như xem các trào lưu thời trang gần đây tổ chức tại trung tâm Paris – kinh đô thời trang và ánh sáng, nhiều người sẽ gào thét rằng không thể hiểu nó là thứ thời trang gì. Vậy mà người ta vẫn chi hàng triệu đô la cho việc tổ chức các show sự kiện thời trang lớn và các trang phục thời trang chỉ để “diễn” chứ không có tính ứng dụng.
Như trên có trình bày, những gì nghệ thuật hướng tới thường đi trước thời đại một đoạn đường dài, và vì thế hầu hết các tác phẩm nghệ thuật được định giá hàng triệu đô la khi nghệ sỹ đã không còn sống trên đời nữa. Nguyên nhân là bởi vì những ai dám đi ngược lại tư duy của thời đại, khởi xướng một phong trào mới đều gặp phải vô vàn các khó khăn và thử thách. May mắn lắm những khởi xướng ấy mới được xã hội chấp nhận và đạt được những thành tựu ngay trong thời đại hay cuộc đời mà họ sống. Đa phần những vinh quang ấy có được khi họ đã không còn, và tiến trình lịch sử chứng minh từ thế hệ sau cho thế hệ trước - những người dám dũng cảm đứng lên để sáng tạo và thể hiện ý chí tự do, chính là những người đặt nền móng cho văn hóa, thẩm mỹ, tư tưởng của xã hội hiện đại. Những tác phẩm đó, vì thế trở thành duy nhất, không có sao chép (và đặc biệt tính không thể sao chép đối với các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng vì nó mang tính thời điểm, cảm hứng, tư duy của con người tại thời điểm đó) khiến cho giá trị của nó ngày càng cao. Một phần khác nữa phải kể đến là những bức họa dạng này thường chỉ được sưu tầm bởi những người có địa vị và tài chính trong xã hội, vì thế việc đẩy giá các bức họa lên cao còn phụ thuộc nhiều vào các kỹ xảo về cung – cầu, các tactics dùng bởi các nhà sưu tập giàu có trong xã hội để nhằm thu được lợi ích từ việc sưu tập tranh. Vì thế giá bán của tranh không nhất thiết phải mang ra để so sánh hay thẩm định một bức tranh về tính nghệ thuật của nó.
Điều này đúng với rất nhiều các loại hình khác, không chỉ các tác phẩm nghệ thuật. Ví như những ai bắt đầu nghiên cứu về NFT đều thấy rất nhiều các NFT được vẽ nguệch ngoạc vài nét ra các mặt người dạng animation được bán với giá hàng triệu đô la, đặc biệt là The merge – NFT gồm 312,686 mảnh thuộc một tập hợp các khối liên kết với nhau chẳng có hình thù gì, được bán với giá hơn 91 triệu đô la gần đây, và hiện là NFT đắt giá nhất thế giới tới thời điểm hiện tại. Hoặc, một ví dụ khác về dòng tweet đầu tiên trên thế giới của Jack Dorsey - người đồng sáng lập Twitter, đăng ngày 21/03/2006 được bán dưới định dạng NFT với giá 2.5 triệu đô la.
Những giá cả mà người ta đưa cho những “tác phẩm” này, không phải bởi sự phức tạp tạo ra nó, càng không phải vì nó yêu cầu công nghệ hay khả năng mà người thường không thể làm được, mà chủ yếu là bởi vì nó đại diện cho một trào lưu mới, một tư tưởng mới mà sẽ dẫn đầu hoặc thống trị thế giới trong tương lai hoặc trong một tiến trình dài của lịch sử và nhiều khi, còn mang “tính thương mại”.
TỰU LẠI
Không phải là người có am hiểu sâu sắc về hội họa, mỹ học và triết học hội họa, và dù các tác phẩm trừu tượng này đang có giá vô cùng cao, bản thân mình cảm thấy không nên đánh giá các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng một cách nhanh chóng, bởi vì cái nó hướng tới là “sự trừu tượng” và vốn sự trừu tượng không thể cảm nhận chỉ bằng các giác quan, mà bằng tư duy và cần phải đặt nó trong các bối cảnh lịch sử, vì thế việc cảm thụ nó cần phải trực tiếp (trực kiến nó tận mắt không thông qua các phương tiện kỹ thuật số) và tìm hiểu bối cảnh, đặt nó trong thời đại lịch sử mà nó sinh ra cũng như bối cảnh, gia thế, tư tưởng của người họa sỹ tạo ra nó.
Ở góc độ bản thân, mình cho rằng những tác phẩm này không nên gọi là “nghệ thuật trừu tượng” cũng như không nên xếp nó vào cùng loại với hội họa/mỹ thuật hoặc cần phải có những xếp loại riêng vì bản thân khuynh hướng của hai loại tư tưởng này khác nhau, dù chúng cùng sử dụng các phương tiện và chất liệu như nhau. Đối với bản thân mình, nghệ thuật cần hướng đến tính “vị nhân sinh”, tức là nó sinh ra để phục vụ cho con người. Các bộ môn mỹ học là phương cách để phản ánh tính đẹp trong tâm hồn con người, vì thế tính phổ quát và dễ dàng cảm thụ tới giác quan và cảm xúc của con người nhằm giúp con người phát triển nhận thức về cái đẹp và tính thiện nên được đề cao. Các bộ môn hoặc trào lưu không dễ dàng tiếp cận tới điều này nên được xếp loại vào một trường phái riêng gần hơn với tuy duy và ý niệm, mang “tính triết học” chứ không mang “tính nghệ thuật”.
Tuy nhiên, khi dò theo khái niệm Nghệ thuật là gì, thì theo từ điển Cambridge (Art: the expression or application of human creative skill and imagination, typically in a visual form such as painting or sculpture, producing works to be appreciated primarily for their beauty or emotional power, tạm dịch “sự thể hiện hoặc áp dụng kỹ năng sáng tạo và trí tưởng tượng của con người, thường ở dạng trực quan như hội họa hoặc điêu khắc, tạo ra các tác phẩm được đánh giá cao chủ yếu nhờ vẻ đẹp hoặc sức mạnh cảm xúc của chúng”), có vẻ việc xếp loại nó vào nghệ thuật hay không đều đúng.
Tham khảo:
https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/abstract
http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/.View_Detail.aspx...
https://www.nytimes.com/.cy-twombly-an-art-who...
http://tapchimythuat.vn/.hieu-va-suy-cam-ve-nghe.
https://vi.wikipedia.org/.C%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_c%C3...
https://vi.wikipedia.org/.L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_th...
https://cointime.vn/giai-ma-the-merge-nft-dat-nhat-the.
https://forecrypto.net/life-changing-money-the-10-most-expensive-nfts-sold-to-date/?utm_source=google&utm_medium=src&utm_campaign=18047396280&utm_term=&utm_content=gid
Ảnh: Tác phẩm Untitled của Cy Twombly, có giá 75 triệu đô la